Biện pháp thiết thực giáo dục học sinh bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai.
Hơn 2000 người tham gia bảo vệ môi trường tại Hà Nội
Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, đối lập với nó, tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một vùng nào, mà ở khắp nơi, cả nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển, cả các nguồn nước và không khí…. Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta, 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường; 70% các làng nghề ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng nước biển xâm nhập vào đất liền; đất trống, đồi núi trọc và sự suy thoái các nguồn gien động thực vật đang có chiều hướng gia tăng là hệ quả của việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.
Để khắc phục những hậu quả trên phải cần một thời gian dài, liên tục, ngay từ bây giờ và tốn kém nhiều công sức và tiền của. Do đó, bảo vệ môi trường nên bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nhất là cho học sinh.
Để công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường mang lại hiệu quả, khi giáo dục bảo vệ môi trường chưa thể là một môn học thì cần giáo dục cho học sinh bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ nhất như trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trường lớp; tổ chức các diễn đàn về môi trường để học sinh tham gia một cách dân chủ; giáo dục học sinh có ý thức tiết kiệm năng lượng như điện và nước, khuyến khích học sinh có các ý tưởng sáng tạo tái chế rác…
Cùng với việc lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường trong các bài giảng, giáo viên cần làm gương cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích học sinh tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau, từ đó nhắc nhở, tuyên dương kịp thời các hành vi, hoạt động thân thiện với môi trường.
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng, giúp học sinh biết yêu thiên nhiên, hiểu được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống và hơn nữa biết cách chăm sóc, giữ gìn hành tinh xanh.
Trong thực tế dạy học, nhiều biện pháp giáo dục và bảo vệ môi trường cho học sinh đã được giáo viên lớp 5 thực hiện có hiệu quả.
Bao gồm: Giáo dục bảo vệ môi trường thông qua lồng ghép nội dung vào các môn học; qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể; trồng cây xanh tại lớp; vệ sinh lớp, công trình măng non.
- Lồng ghép giáo dục môi trường vào các môn học:Nội dung giáo dục môi trường được thể hiện ở tất cả các môn học : Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Địa lý, … và gắn vào từng bài cụ thể.Chẳng hạn, chương trình môn Đạo đức ở lớp 5 đều phản ánh các chuẩn mực hành vi đạo đức phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường tự nhiên.Chương trình môn khoa học; địa lý có thể giúp học sinh hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội, các nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường.Môn Tiếng Việt, có thể lồng ghép giáo dục môi trường qua các bài có nội dung về lòng yêu quê hương đất nước, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp; ở môn Mĩ thuật có thể cho học sinh vẽ tranh về môi trường, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường…Thông qua các bài học được tiến hành với các hình thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, giáo viên khối 5 đã đem lại cho học sinh các thông điệp phong phú về giữ gìn và bảo vệ môi trường, giúp các em lĩnh hội kiến thức về giáo dục bảo vệ môi trường một cách tự nhiên, sinh động và hiệu quả.
- Giáo dục bảo vệ môi trường qua các hoạt động tập thể:
Thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động tập thể, nội dung giáo dục và bảo vệ môi trường cho học sinh hết sức đa dạng và hiệu quả.
Phong trào thi đua trang trí lớp học; làm sạch đẹp trường, lớp tại mỗi lớp đã đưa trường; lớp trở thành một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Ngoài ra, thông qua các tiết sinh hoạt cuối giờ đầu tuần, các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động của Đội, các nội dung bài học giúp học sinh hiểu biết về giáo dục môi trường được các giáo viên tổ chức hết sức đa dạng với các nội dung và hình thức rất phong phú và phù hợp với các em học sinh.
Thông qua cuộc thi “ Tái chế sản phẩm” , các giáo viên cũng đã tổ chức cho các em học sinh thực hiện làm các sản phẩm tái chế từ hộp sữa đã uống, ống hút, thùng giấy… Qua đó đã giáo dục học sinh thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.
Từ đó, các em có thái độ và hành vi đúng đắn với việc bảo vệ môi trường, có suy nghĩ đúng đắn trước những sự việc xảy ra trong thực tế và thấy được trách nhiệm của chính mình, mặc dù đó có thể là những hành động chưa lớn nhưng cũng sẽ hình thành cho các em tinh thần trách nhiệm trước môi trường đang bị đe dọa.
Nhận xét
Đăng nhận xét